Gần 2 thập kỷ được rót 412.000 tỷ đồng, đảo ngọc đẹp bậc nhất thế giới ở Việt Nam lột xác “ngoạn mục”

Từ một địa phương “không có dự án đầu tư nào” thì đến năm 2023, Phú Quốc đã thu hút 321 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 412.000 tỷ đồng.

Sáng 31/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự hội nghị tổng kết Quyết định 178/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Trước đó, trong ngày 30/3, Thủ tướng cũng đã khảo sát tình hình thực tế để giải quyết các vấn đề vừa mang tính cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài để Phú Quốc phát triển nhanh và bền vững. Thủ tướng cũng khảo sát 9 địa điểm tại Phú Quốc trong đó có công trường xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, dự án sân bay Phú Quốc; địa điểm dự định xây dựng Nhà máy xử lý rác Phú Quốc tại xã Cửa Dương; hồ chứa nước ngọt Dương Đông. Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ cũng dự lễ khởi công tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí biển Hòn Thơm với quy mô đầu tư 50.000 tỷ đồng.

 

Trong ngày 30/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát tình hình thực tế các dự án ở Phú Quốc – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực và thành tựu mà thành phố Phú Quốc đã đạt được và khẳng định Kiên Giang từ một tỉnh nghèo đã trở thành tỉnh phát triển khá tại khu vực ĐBSCL. Đặc biệt, Phú Quốc từ hòn đảo đổ nát sau chiến tranh, hoang sơ, điện lưới không có, nước ngọt khan hiếm đã bứt phá trở thành đảo ngọc như hiện nay. Đồng thời ông cũng chỉ rõ, Phú Quốc phải giải bài toán phát triển “nóng”, chưa thực sự bền vững và chưa dựa vào khoa học công nghệ; giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng, nguồn nước, vệ sinh môi trường…”Thời gian qua, Phú Quốc đang phát triển nóng nhưng chưa thật sự bền vững, chưa dựa vào khoa học, công nghệ, và đổi mới sáng tạo, lập nghiệp để phát triển Phú Quốc nhanh, bền vững. Để Phú Quốc phát triển, cần thay đổi tư duy, chuyển đổi trạng thái. Cần phải triển khai hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Chính phủ trong phát triển địa phương; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, y tế giáo dục, môi trường và đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển Phú Quốc…”, người đứng đầu chính phủ nói.

 

Gần 2 thập kỷ được rót 412.000 tỷ đồng, đảo ngọc đẹp bậc nhất thế giới ở Việt Nam lột xác

Cáp treo Hòn Thơm là một trong những điểm đến lý tưởng ở “đảo ngọc” Phú Quốc – Ảnh: Người lao động

Thành phố đảo bật vọt với những con số ấn tượng trong gần 2 thập kỷ

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, qua gần 20 năm triển khai thực hiện Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg, bộ mặt của thành phố đảo Phú Quốc đã có nhiều chuyển biến tích cực với hàng loạt các con số ấn tượng. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế của đảo ngọc luôn ở mức cao, đạt gần 19,6%/năm, mang tính ổn định và bền vững, năm sau cao hơn năm trước; hầu hết các chỉ tiêu kinh tế – xã hội đều tăng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng nhanh tỷ trọng thương mại-dịch vụ, công nghiệp xây dựng, giảm về nông nghiệp. Tổng thu ngân sách Nhà nước tăng cao qua các năm, đóng góp lớn cho ngân sách chung của tỉnh, nếu như năm 2004 tổng thu ngân sách chỉ đạt 38,59 tỷ đồng, thu không đủ chi thì năm 2020 chiếm 51,6% tổng thu ngân sách của tỉnh Kiên Giang và góp 5,4% thu ngân sách của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 0,35% tổng thu ngân sách của cả nước. Đến năm 2023 thu ngân sách đạt 7.812,7 tỷ đồng, tăng trên 113 lần so với năm 2004. Trong 5 năm trở lại đây, Phú Quốc không những tự chủ ngân sách mà còn điều tiết lại cho ngân sách tỉnh.

 

Gần 2 thập kỷ được rót 412.000 tỷ đồng, đảo ngọc đẹp bậc nhất thế giới ở Việt Nam lột xác

Một góc Nam đảo Phú Quốc ngày nay – Ảnh: VOV

Đáng chú ý, Phú Quốc từ một địa phương “không có dự án đầu tư nào” thì đến năm 2023, đã thu hút 321 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 412.000 tỷ đồng, chiếm 42,8% tổng số dự án toàn tỉnh. Thành tựu nổi bật phải kể đến của huyện đảo này những năm đầu triển khai dự án là sự phát triển bật vọt về du lịch. Từ một hòn đảo ít người biết, vào năm 2004 chỉ có trên 130.000 lượt khách du lịch, thì đến năm 2020 đạt trên 3,5 triệu lượt, tăng gần 27 lần so với năm 2004, và vượt gần 17% so với mục tiêu tại Quyết định 178. Trong đó khách quốc tế đến Phú Quốc năm 2020 đạt trên 160.000 lượt, chiếm 4,2% cả nước. Đến cuối năm 2023, Phú Quốc đón khoảng 5,57 triệu lượt khách tham quan du lịch, tăng 42,7 lần so với năm 2004; trong đó khách quốc tế trên 560.000 lượt, chiếm 4,48% cả nước. Phú Quốc đã khẳng định được thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới, nhiều sản phẩm du lịch mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Gần 2 thập kỷ được rót 412.000 tỷ đồng, đảo ngọc đẹp bậc nhất thế giới ở Việt Nam lột xác

Những bãi biển trải dài cát trắng, nước trong xanh ở Phú Quốc được nhiều du khách yêu thích – Ảnh: Mia

Bên cạnh những bật vọt về du lịch, lĩnh vực văn hóa – xã hội, giáo dục cũng được quan tâm chỉ đạo đúng mức, thu nhập và đời sống của nhân dân liên tục được cải thiện. Cùng với phát triển kinh tế, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư với quy mô lớn, hiện đại, đồng bộ, đến năm 2021, Phú Quốc chính thức trở thành thành phố đảo đầu tiên và duy nhất của Việt Nam đến thời điểm hiện tại. Với những bãi biển nước màu ngọc lam trải dài cùng cát trắng, năm 2023, đảo Phú Quốc đã được tạp chí du lịch Mỹ Condé Nast Traveler vinh danh là một trong những hòn đảo đẹp nhất thế giới.

Bài viết liên quan
Đơn vị tiền tệ