Đó là quan điểm chung của các chuyên gia khi nói về tầm nhìn chiến lược dài hạn giúp đảo ngọc trở thành ‘viên ngọc quý’ của cả thế giới; từ đó đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế đất nước.
Quy hoạch các phân khu riêng cho du khách
Phú Quốc có thể học hỏi mô hình phát triển của Phuket (Thái Lan) hay Bali (Indonesia). Ngành du lịch của hai hòn đảo này từng có thời gian tăng trưởng nóng, dẫn tới sự quá tải trong hạ tầng và dịch vụ, vấn đề ô nhiễm rác thải, ô nhiễm tiếng ồn, khách du lịch sang trọng bỏ đi… Tuy nhiên, về sau họ đã thay đổi định vị, coi du lịch là nguồn sống chính của cư dân trên đảo.
Bali cũng như Phuket vẫn đón cả khách du lịch sang trọng lẫn khách đại trà, nhưng họ xây dựng quy hoạch cụ thể để hình thành từng phân khu riêng: Cần sôi động có sôi động, cần riêng tư có riêng tư. Họ có những câu lạc bộ du thuyền, những sân golf rất đẹp và rộng, những khu mua sắm trung tâm, khu vui chơi giải trí thâu đêm. Họ có chỗ để cho khách “đốt tiền”, nhưng khi cần sự riêng tư, khách có thể đến những khu nghỉ dưỡng trong rừng, nơi vẫn giữ được sự nguyên sơ của phong cảnh.
Đón khách cao cấp hay đại trà là lựa chọn của Phú Quốc. Song nếu muốn đón cả hai thì Phú Quốc có thể học theo cách phân khu của Phuket và Bali, trong đó khu Đông đảo để phát triển sản phẩm du lịch đại trà; còn Bắc đảo, Nam đảo và khu ven rừng nên hướng đến khách du lịch cao cấp. Đặc biệt, muốn hướng đến nhóm khách hàng chi tiêu cao, Phú Quốc cần thêm nhiều dịch vụ, trải nghiệm hạng sang như du thuyền ngắm hoàng hôn, ăn tối ngủ đêm trên biển…
Cần đưa Phú Quốc thành đô thị trực thuộc T.Ư
Phú Quốc muốn phát huy hết được tiềm năng, lợi thế của mình, muốn chuyển hóa được những lợi thế hiếm có thành sức mạnh, thành ưu thế không nơi nào có thì cần có thể chế khác thường. Tôi đề nghị cần đưa Phú Quốc trở thành đô thị trực thuộc T.Ư, không thể chỉ là đô thị cấp 1 trực thuộc tỉnh, vì như thế vẫn chưa đến tầm.
Điều này không làm cho Kiên Giang thiệt hại đi chút nào mà thậm chí còn trở thành động lực kéo Kiên Giang bùng nổ hơn nữa. Nếu có điều kiện, phải giải quyết thống nhất được vấn đề, cởi mở với nhau quan điểm: Phú Quốc trở thành đô thị độc lập trực thuộc T.Ư thì lợi ích phát triển cho Kiên Giang và cho vùng Nam bộ lớn hơn rất nhiều.
Phú Quốc nên được trao quyền thử nghiệm những thể chế vượt trội, những cơ chế vượt trước để bảo đảm rằng thể chế của Phú Quốc ngang tầm với những địa chỉ đô thị du lịch biển sáng tạo hàng đầu thế giới. Phú Quốc đi sau, muốn vượt lên cạnh tranh thì phải có thể chế ngang, thậm chí vượt lên với họ. Phải được tạo điều kiện phát triển những dự án chưa nơi nào có hoặc những dự án ở đẳng cấp cao nhất.
Phải mở điều kiện ra để hút các doanh nghiệp có những sáng kiến khác thường, có những dự án đẳng cấp đúng quy hoạch. Cần cơ chế để lựa chọn được những nhà đầu tư có tầm nhìn, có tiềm lực, có sáng tạo, hình thành nên một Phú Quốc “phi thường”. Điểm mấu chốt xuyên suốt là được áp dụng “thể chế vượt trội” như các chính sách xuất nhập cảnh, một số quyền tự chủ nhân sự, tổ chức – bộ máy, hệ thống khuyến khích công việc… và quyền thí điểm cơ chế, chính sách mới (“sand-box” cho khu công nghệ cao, cho kinh tế đêm…).
Mở rộng cảng hàng không và hạ tầng kết nối
Để phát triển du lịch Phú Quốc xứng với tiềm năng trong giai đoạn tới, cần tiếp tục giải quyết các vấn đề về môi trường du lịch. Cụ thể, ưu tiên nguồn lực để phát triển hạ tầng đường sá; các công trình thoát nước, cấp nước, xử lý rác thải, chất thải; quản lý chất lượng dịch vụ du lịch ở các điểm ngoài các khu nghỉ để tạo hình ảnh một điểm đến sạch sẽ, văn minh, không chặt chém du khách… Cùng với đó, cho phép du khách nước ngoài được miễn visa vào Phú Quốc có thể nối dài chuyến đi đến các điểm du lịch khác trong đất liền.
Đặc biệt, câu chuyện về hàng không, mạng lưới các đường bay kết nối thời gian qua cũng tác động không nhỏ tới đà tăng trưởng du lịch của Phú Quốc. Theo kinh nghiệm của nhiều địa phương ở Trung Quốc, nên xem xét chính sách bù lỗ cho các hãng hàng không đưa du khách nội địa, quốc tế đến Phú Quốc từ ngân sách địa phương (tính trên đầu khách hoặc trên mỗi chuyến bay). Doanh thu du lịch từ du khách sẽ cao hơn nhiều so với số tiền bù lỗ, nên về tổng thể địa phương sẽ được lợi. Song song, có chính sách thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư, mở rộng hạ tầng cảng hàng không cũng như hạ tầng kết nối.
Mở visa, kéo dài thời gian lưu trú cho du khách
Từ hơn 20 năm trước, khi cùng các chuyên gia của Tổ chức Du lịch thế giới khảo sát, xây dựng quy hoạch cho Phú Quốc, chúng tôi đã đề xuất những chính sách vượt trội, thậm chí bị coi là “điên rồ” như kéo lưới điện ra đảo và cho khách quốc tế từ khắp nơi trên thế giới đến Phú Quốc không cần visa. Thực tế đã chứng minh đây là những chính sách quan trọng nhất đưa du lịch đảo ngọc phát triển vượt bậc tới ngày hôm nay.
Nhìn lại, quy hoạch du lịch Phú Quốc ở cả 3 mốc thời gian – năm 2003, 2004 và gần nhất là 2024 (Đồ án quy hoạch chung TP.Phú Quốc đến năm 2040) đều đặt mục tiêu đưa Phú Quốc trở thành điểm đến du lịch chất lượng cao, mang đẳng cấp quốc tế.
Mục tiêu này đòi hỏi cách ứng xử phù hợp bằng những cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho vùng đảo, không thể ứng xử giống các điểm đến trên đất liền. Cụ thể, visa đã mở, cần mở thêm nữa, đột phá thêm nữa. Ngày càng có nhiều khách quốc tế tới Phú Quốc ở lâu, nhiều ngày, cần kéo dài thời gian cho phép họ lưu trú. Để những chính sách visa phát huy tác dụng thì cần mở rộng thêm nhiều đường bay, kết nối trực tiếp Phú Quốc với nhiều quốc gia.
Đặc biệt, một trung tâm du lịch chất lượng cao, tầm cỡ khu vực và quốc tế thì không thể tách rời câu chuyện môi trường. Đến bây giờ mà Phú Quốc vẫn không có một trung tâm xử lý rác thải, nước thải chuyên nghiệp là thiếu sót cực kỳ lớn. Đây không chỉ là vấn đề du lịch mà còn phục vụ dân sinh, là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với các hòn đảo. Cần nhanh chóng xây dựng trung tâm xử lý chất thải tầm cỡ, công nghệ cao.
Ngoài ra, Quy hoạch chung đến 2040 đặt mục tiêu dân số Phú Quốc đạt 680.000 người, đón 14,6 triệu khách quốc tế; nhưng với mức cung ứng nước sạch tối đa chỉ 200.000 m3/ngày đêm thì chắc chắn không thể đáp ứng được. Với du lịch đảo, nước sinh hoạt là yếu tố chặn ở trên, quy định sức chứa du khách của hòn đảo.
Đảo lớn tới đâu, nhiều tài nguyên thế nào nhưng nếu thiếu nước sạch thì cũng không thể hằng ngày mang thuyền chứa nước vào phục vụ du khách được. Trong số các đối tượng khách quốc tế Phú Quốc hướng tới thu hút, có khách siêu giàu họ sử dụng rất ít tài nguyên, sử dụng ít nước. Do đó, song song với việc huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng cấp nước từ đất liền ra đảo, cần có chính sách thay đổi cơ cấu nguồn khách, tập trung đón dòng khách siêu giàu và hạn chế di dân tự do, đảm bảo sức chứa của đảo.